Lời Chúa: Ga 6, 1-15
Hôm ấy, Ðức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Tibêria. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người làm cho những kẻ đau ốm. Ðức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái.
Ngước mắt lên, Ðức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Philípphê đáp: “Thưa có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”. Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu!”
Ðức Giêsu nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi”. Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Ðức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý.
Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi”. Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.
Dân chúng thấy dấu lạ Ðức Giêsu làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Ðấng phải đến thế gian!” Nhưng Ðức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
Suy niệm:
Một nông dân chở lúa mì đến kho lúa ở thành phố kế cận. Anh dừng xe lại một quán ăn và đến ngồi gần một nhóm bạn trẻ đang quậy phá, la ó người đầu bếp, chất vấn cô bồi bàn. Khi bữa ăn dọn ra trước mặt, người nông dân cúi đầu dâng lời cầu nguyện. Một kẻ ngạo nghễ trong bọn nghĩ rằng y sẽ chọc quê bác nông dân, nên y la lớn để mọi người nghe được: Ê, Bố! Ở quê bố ai cũng làm vậy sao? Bác nông dân bình tĩnh quay về phía gã thanh niên và lớn tiếng đáp lại: “Không, con ơi, những con heo không biết làm như vậy!”.
Trước hết, chúng ta nhìn vào câu chuyện trên có không ít những người sẽ đụng chạm lòng tự ái. Bởi lẽ bác nông dân nói quá mạnh về vấn đề cảm ơn. Cảm ơn ở đây không phải chỉ cảm ơn người đã đưa cơm cho bác, nhưng bác cảm ơn Đấng đã dựng nên bác. Vâng chính trong Lời Chúa ngày hôm nay Đức Giê-su cho chúng ta một tấm gương hoàn hảo về việc cảm ơn. Bởi lẽ trước khi Đức Giê-su làm phép lạ “Ngài cầm lấy bánh và dâng lời tạ ơn”. Chúa chúng ta cũng cảm tạ trong bữa ăn tối sau cùng mà chúng ta thường nhắc lại trong lời truyền phép mỗi thánh lễ. Quả thật, con người ai cũng muốn mình được cảm ơn khi cho, tặng hay giúp đỡ người khác, nhưng sống trong một xã hội văn minh về mọi mặt dường như từ cảm ơn dần cảm thấy xa lạ với mọi người. Cụ thể hơn các em nhỏ hay có một số người ngày nay không được dạy dỗ về lời cảm ơn, thay vào đó là những lời nói thiếu văn minh lịch sự.
Thứ đến, Lời Chúa muốn nhắn gửi cho mỗi cá nhân rằng việc cảm ơn hay tạ ơn Chúa chẳng đem lại cho Ngài ích lợi gì, nhưng chúng ta cảm ơn Ngài ắt sẽ thấy rõ lòng thương xót của Ngài dành cho chúng ta. Cũng thế, chúng ta phải biết ơn Chúa vì của ăn thiêng liêng là chính thịt máu Ngài nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Hơn nữa, việc cảm ơn Chúa tại bàn ăn hằng ngày có thể là một bước đầu: Tôi có đủ đồ ăn và có dư nữa trong khi hàng triệu người trên thế giới đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất, hay ngay tại các khu vực thành phố đang phải gánh chịu những trận đại dịch Covid mà không ít người lao đao chẳng có gì ăn, thậm chí có những người đói lả không có ngụm nước để uống. Tôi và bạn thật may mắn, họ thật bất hạnh. Như vậy, chúng ta sẽ ý thức rằng mỗi cá nhân, mỗi nhà phải biết cảm ơn Chúa, không những thế chúng ta luôn biết sẻ chia và giúp đỡ người khác vì chúng ta máy mắn hơn họ.
Kế tiếp, Đức Giê-su muốn dạy chúng ta biết cảm ơn Chúa qua việc sống tiết kiệm chứ đừng thừa mứa và phung phí. Thế nhưng, không ít cá nhân dư giả chẳng những không chia sẻ mà còn xài phung phí. Hay có những người vừa trải qua cơn đói, nay đã vứt bừa bãi những mẩu bánh dư thừa. Không những vậy, tiết kiệm là trân trọng những của cải Chúa ban, tiết kiệm là ý thức của cải là của mọi người. Tiết kiệm là lợi ích của toàn thể nhân loại vì thế giới còn những người đói nghèo không phải là vì thiếu tài nguyên, nhưng vì phân phối chưa đồng đều, vì những người giàu còn tiêu xài phí phạm.
Qua đó, chúng ta hãy nhìn nhận rằng của cải tôi và bạn nuôi sống cơ thể, cũng như nuôi sống thiêng liêng chính là nhờ vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, cho nên tôi và bạn hãy cảm ơn và tạ ơn Ngài trong mọi hoàn cảnh, cùng với đó hãy sống tiết kiệm của cải. Ngõ hầu, việc chúng ta tạ ơn Ngài dẫn chúng ta tiến gần hơn đến đời sống vĩnh cửu mai sau mà Thiên Chúa hứa ban cho những ai thi hành ý Thiên Chúa. Amen.
GIÊRÔNIMÔ PHẠM VĂN TIỀN